[hr] -->

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

NHỮNG CHUYẾN ĐI - ĐƯỜNG RA XỨ HUẾ

14g30 ngày 27/9/12, có mặt ở bến xe Miền Đông, đây rồi xe Minh Phương giường nằm cao cấp. Tôi cùng đoàn người lần lượt bước lên xe theo hướng dẫn của chủ xe là phải tháo giầy ra cho vào túi nilong đi chân trần lên xe. Sàn xe được trãi thảm sạch sẽ với 3 dãy giường nằm hai tầng, vé của tôi là giường tầng trên bên phải sát cửa sổ, đây là một vị trí khá lý tưởng cho những người thích ngắm cảnh thiên nhiên trên những chặng đường đi như tôi. Sau khi yên vị cũng là lúc xe bắt đầu khởi hành. Tôi kéo giường nâng lên thành ghế ngồi để dễ dàng quan sát, 3g30 chiều trời trong xanh, ánh nắng chiều bắt đầu dịu dần, Tp từ từ lùi dần về phía sau, phía trước là ngã tư Thủ Đức rồi đến Suối Tiên ... xe bon bon trên địa phận tỉnh Đồng Nai, qua ngã tư Dầu Giây, thị xã Long Khánh dần hiện ra, tôi cố nhìn và khi xe đi qua tôi ngoái đầu nhìn lại như muốn thu vào tầm mắt mình hết cảnh vật của cái thị xã nầy, nơi mà tôi đã từng sống với những kỹ niệm vui, buồn còn vươn mãi trong ký ức.
Gần 7g tối xe dừng lại quán Chính Nghĩa Xã Xuân Hưng Huyện Xuân Lộc Tỉnh Đồng Nai để ăn tối theo phiếu ăn của nhà xe. Sau đó người và xe tiếp tục cuộc hành trình của một chuyến đi dài 1075km từ Sài Gòn ra Huế, ngày xưa Ông, Bà ta thường nói "khó như ra Huế !", hay "xa như ra Huế !"... nghĩa là ra Huế là một điều không dễ dàng chút nào. Ngày nay con người đã đi khắp năm châu bốn bể chứ nói chi là ra Huế, tôi thích đi xe hơn là máy bay vì vừa hợp với túi tiền vừa khám phá khung cảnh thiên nhiên theo chiều dài của đất nước mình. Cảnh vật hai bên đường ẩn hiện mờ mờ dưới ánh đèn đường, mí mắt tôi bắt đầu trĩu nặng, cơn buồn ngủ kéo đến, tôi hạ ghế xuống thành chiếc giường nệm êm ấm, rôi thiếp đi trong tiếng máy xe chạy đều đều, trong thoáng chốc tôi thấy mình bay đi thật xa và đáp xuống một khu vườn thật đẹp với đầy hoa thơm cỏ lạ, có tiếng nước chảy róc rách, tôi đi về hướng đó, lạ thay ! trước mắt tôi không phải là một dòng suối mà là một bóng người đàn ông dần hiện ra lúc tỏ lúc mờ, người ấy chìa tay ra như muốn nắm lấy tay tôi, nhưng tôi càng bước đến thì khoảng cách càng xa ra và cuối cùng người ấy mất hút vào trong khu rừng phía trước ...
6g sáng, xe vào địa phận tỉnh Bình Định, ngang qua Huyện Phù Cát, một cái tên nghe rất hay, làm tôi nhớ đến câu ca dao :
"Núi Bà một dãy xanh xanh
Vọng Phu còn đó sao anh chưa về"
Đây là vùng đất sản sinh ra truyền thuyết Hòn Vọng Phu, là vùng đất của sông và núi, là nơi giao hòa của non nước biển trời. Qua khỏi Phù Cát thì đến thị trấn Phù Mỹ, rồi Tam Quan, từ xa đã thấy những hàng dừa cao nghệu trãi dài dọc theo hai bên đường quốc lộ, phía xa là dãy Trường Sơn nhấp nhô ẩn hiện trong mây, tiếc là khg vào được trong làng để được uống nước dừa, một loại dừa đặc sản nổi tiếng cũa xứ Tam Quan và ngắm nhìn dừa, cây dừa ở đây không giống như cây dừa ở Bến tre, nó ốm cao nghệu mà đầy trái, khắp cùng dừa, bát ngát dừa, mênh mang là dừa, tôi chợt nhớ 2 câu ca dao :
“ Công đâu công uổng công thừa
Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan"
Tiếp tục cuộc hành trình, khi xe đến Huyện Đức Phổ Tỉnh Quảng Ngãi thoáng thấy bãi cát vàng óng dưới ánh nắng ban mai trên bãi biển trong xanh dọc theo quốc lộ 1A bên cạnh những rặng dương hiền hòa chịu bao nắng gió vẫn chung thủy với biển. Xe qua rồi tôi quay đầu nhìn lại mở to cặp mắt cố nhìn như tìm kiếm trong vẽ hoang sơ của biển những hốc đá, ghềnh đá kỳ lạ bí ẩn do thiên nhiên tạo nên ...đó chính là bãi biển Sa Huỳnh. Tôi nhớ có ai đó đã tắm tắc khen đặc sản hấp dẫn của Sa Huỳnh là món mắm nhum và cua huỳnh đế ... nơi đó còn là dấu vết khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh.
Đi thêm một đoạn nữa thì đến cầu Trà Khúc khá dài bắt ngang qua sông Trà Khúc đục nước phù sa nối liền huyện Sơn Tịnh với thị xã Quảng Ngãi. Chiếc cầu tuy đơn giản nhưng đẹp vô cùng bởi trên mây dưới nước hòa quyện vào nhau, phía xa xa là làng mạc vẽ lên một bức tranh quê thanh bình yên ả cho bao người mơ ước .


 

Xe dần đi qua khu công nghiệp Tịnh Phong, xa dần Quảng Ngãi với những địa danh, những tên gọi mỹ miều đầy chất thơ văn đi vào lòng người khách phương xa khó phai. Xe vào địa phận Quảng Nam, thị trấn Núi Thành ngang qua BV ĐK TW Quảng Nam thuộc khu KT mở Chu Lai, rồi đến Duy Xuyên Điện Bàn ... đến Đà Nẳng gợi tôi nhớ cách đây 2 năm có dịp ngang qua Đà Nẳng, trời đã về chiều, dừng chân ngủ lại một đêm tranh thủ đi dạo phố Cổ Hội An mắc mưa nên khg đi được nhiều, cũng không thực hiện được mơ ước ngắm cầu quay và dòng sông Hàn đầy thơ mộng, như những câu thơ của ai đó đã diễn tả: 
"... Đêm dấu mình trăng soi bến nước 
Em cùng anh dạo bước vòng quanh
Trăng đầu tháng nghiêng vành rơi đáy mắt
Sóng sánh gương soi mặt nước sông Hàn... "
Em trở lại sông Hàn sóng hát ngân nga
Nhịp cầu quay đêm nay thong thả,
Tiếng còi tàu ai về gióng giả
Thức bình minh lên trên bến cảng xôn xao!...”
Trời đã trưa nhưng mưa vẫn rỉ rã kéo dài, làm tôi có cảm tưởng như  mưa cũng đang quá giang xe vào Huế . Hầm đèo Hải Vân đang tiến đến gần… Tôi thầm tiết rẻ vì ngày xưa  khi chưa có hầm đèo Hải Vân tôi không có dịp ra Huế nên không được ngắm cảnh thiên nhiên của đường đèo, chỉ biết qua thơ ca, tranh ảnh và lời kể :
Đường ra xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ...
Đèo Hải Vân còn gọi là đèo Ải Vân hay đèo Mây vì trên đèo có một cái ải gọi là Hải Vân Quan, xây từ đời Trần, cửa “Hải Vân Quan” trông về phủ Thừa Thiên, cửa “thiên hạ đệ nhât hùng quan” hướng về Quảng Nam. Cái tên Đèo Mây là do đỉnh đèo thường có mây che phủ, vì đèo ở độ cao 500m so với mặt nước biển, dài 20km cắt ngang núi Bạch Mã, là 1 phần của dãy Trường Sơn.Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đèo nhìn thấy một phần Tp Đà Nẳng, Cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm, và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển...để thấy lòng mình thanh thảng, bình yên và bao la như đất trời ... Xe bắt đầu chui vào hầm đèo Hãi Vân dài 6km

 

Ra khỏi hầm đèo là địa phận của Lăng Cô cách Tp Huế 50km. Ngồi trên xe nên khg thể thưởng ngoạn được cảnh đẹp của bãi biển Lăng Cô, là Vịnh đẹp thế giới, nằm giữa 3 trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới là : Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, và khu Thánh địa Mỹ Sơn... Chao ôi đất nước ta thật nhiều địa danh nổi tiếng và cảnh đẹp, biết đến khi nào tôi mới được đi hết ....
Khoảng 13 giờ xe vào Tp Huế, một chặng đường dài mất 21 tiếng rồi cũng đến.Tp Huế vừa cổ kính vừa hiện đại, có một nét sâu lắng và trầm mặc, không ồn ào, mặc dù Huế là một Tp du lịch. Khắp các con đường, nhất là đường Lê Lợi, ở đâu cũng gặp khách du lịch phương Tây, từng dòng người tản bộ dưới những hàng cây, đường phố sạch và rộng rãi thoáng mát. Huế còn có những con đường mang tên các nhà văn- sỹ nổi tiếng như đường Hàn Mac Tử, đường Xuân Diệu, đường Trịnh Công Sơn... tôi thích nhất là đường Lê Lợi, bởi vì đó là con đường áo trắng- như du khách thường gọi, mỗi buổi tan trường những tà áo dài trắng của trường Đồng Khánh (nay là Trưng Vương) và trường Quốc Học như những cánh bướm tung bay trên đường. Trong bài tình khúc phượng hồng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn diễn tả một con đường đầy những cây phượng “ Đường phượng bay mù khg lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”... có người nói đó là đường Đoàn Thị Điểm, người cho rằng là đường Lê Duẩn hay Phan Đình Phùng... Tôi không biết “đường phượng bay” của nhạc sỹ họ Trịnh là con đường nào bởi tôi thấy ở Huế con đường nào cũng rất đẹp, rất thơ, rất bình yên và con đường nào cũng có bóng dáng của cây phượng, nhưng riêng tôi, tôi cảm nhận “đường phượng bay” chính là con đường Lê Lợi, vì vừa có tà áo trắng học trò vừa có cây phượng vỹ, và nhất là có bãi cỏ rộng xanh rì trãi dài dọc theo bờ sông Hương thật là nên thơ, thế nên tôi rất thích con đường nầy .


Buổi tối đi chợ đêm dọc bờ sông Hương, có hàng cây thốt nốt sừng sững, xanh tươi, đâu phải chỉ ở đất nước chùa Tháp mới có cây thốt nốt ! Gió từ dòng sông thổi vào mát rượi nhìn sang cầu Tràng Tiền lấp lánh ánh đèn soi bóng nước, lúc thì màu xanh lúc màu vàng, khi có màu đỏ… kia là những cành phượng de ra sông như cố nhoài mình ra chiêm ngưỡng dòng sông, cảm thấy hồn mình lâng lâng một niềm cảm xúc khó tả, tôi khg phải là nhà thơ nhưng trước khung cảnh thơ mộng lãng mạng nầy cũng cảm tác được mấy vần thơ:

Đêm trên dòng Hương Giang
Ánh trăng soi bóng nước
Bàng bạc áng mây trơi
Ngọn gió hiu hiu thổi
Xuôi qua bến Vân Lâu
Ngược về cầu Tràng Tiền
Một chiếc thuyền lơ lững ...
Tôi đã đi qua nhiều dòng sông, nhưng vẫn không thấy con sông nào thơ mộng và quyến rũ như dòng sông Hương,  bởi nước sông trong xanh và êm đềm như không hề có sóng…. 

 

Đêm ở Huế  thơ mộng là thế, ban ngày cũng không kém phần hấp dẫn bởi Huế là Cố Đô, là Kinh Thành Huế, là nơi đóng đô của Vương Triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ai đến Huế mà không một lần vào Đại Nội là xem như chưa đến Huế, đây là nơi sinh hoạt của 13 đời Vua nhà Nguyễn, từ đời Vua Gia Long đến Vua Bảo Đại. Thế là hôm sau tôi vào Đại Nội, cổng chính vào Đại Nội là Ngọ Môn, trước mặt có cột cờ và dòng sông Hương sinh đẹp, vòng thành thứ 2 gọi là Hoàng Thành nơi ngày xưa các quan lại ở bảo vệ các cung điện quan trọng của triều đình, và bảo vệ Tử Cấm thành nơi Vua chúa và Hoàng gia ở. Ngày nay Hoàng Thành đã trở thành khu dân cư trù phú, nhưng Tử Cấm Thành thì vẫn được bảo vệ nghiêm nhặc, chỉ giành cho khách tham quan, muốn vào phải mua vé…
Hôm sau tôi tiếp tục thăm danh thắng Chùa Thiên Mụ, còn gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, cạnh dòng sông Hương phẳng lặng, cách Tp Huế 5km, đây là ngôi Chùa cổ nhất ở Huế. Chùa nằm trên đồi, phải bước lên hết các bậc tam cấp thì đến Tháp Phước Duyên cao 21m, gồm 7 tầng, qua cổng tam quan và vào Chùa. Đứng trên Chùa nhìn xuống là dòng sông Hương, xa xa là dảy núi Ngự ẩn hiện trong mây, trời nước bao la, tiếng chuông ngân nga cho lòng người thanh thảng, bỏ lại phía sau với bao hỉ, nộ, ái ố của cảnh trần ai … 


Đến Huế còn được ăn các món ăn đặc sản của Huế mà không đâu có và ngon bằng ở Huế như : cơm hến, bún bò Huế, bánh khoái, bánh bèo xứ Huế , chè Huế …. Trong đó tôi thích nhất là món bánh bèo xứ  Huế .



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể coppy link hình và dán trực tiếp
vào ô comment mà không cần dùng thẻ .